Thực hiện kế hoạch năm học 2015 – 2016 của trường Đại học PCCC và hướng dẫn của Phòng Quản lý khoa học và Đào tạo sau đại học, Bộ môn Pháp luật, Nghiệp vụ Công an đã lập kế hoạch về việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Bộ môn xác định đây là hoạt động thường niên trong các năm học. Tuy nhiên, để chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên ngày càng có chất lượng, Bộ môn đã tổ chức họp triển khai, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các yêu cầu trong công tác này của năm học 2015 – 2016. Theo đó, Bộ môn sẽ không chú trọng đến việc lấy số lượng đề tài hướng dẫn mà tập trung vào chất lượng của các đề tài, khuyến khích những đề tài mới lạ, hay, độc đáo. Cùng với đó, để khuyến khích sinh viên tinh thần chủ động, ý tưởng độc đáo và trách nhiệm với hoạt động nghiên cứu, Bộ môn yêu cầu sinh viên khi đăng ký phải lựa chọn tên đề tài, lựa chọn lĩnh vực, địa bàn nghiên cứu; trên cơ sở đó, chủ động làm việc với giáo viên, nếu có khó khăn trong cách lựa chọn vấn đề nghiên cứu thì giáo viên, lãnh đạo Bộ môn sẽ định hướng.
Với cách thức, kế hoạch triển khai như vậy, Bộ môn Pháp luật, Nghiệp vụ Công an đã có tổng cộng 22 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đăng ký các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực của Bộ môn, trong đó đặc biệt năm nay có 02 nhóm sinh viên đại học hệ dân sự khóa DS6 (tăng 01 nhóm so với năm học trước) và 20 nhóm là sinh viên khóa D29 (sinh viên năm thứ 3). Trên cơ sở đăng ký của sinh viên, Bộ môn đã tổ chức gặp gỡ với đại diện của tất cả các nhóm để thảo luận vấn đề nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn chỉnh tên các đề tài nghiên cứu khoa học, nộp về Phòng Quản lý khoa học và Đào tạo sau đại học để xét duyệt.
Với tổng cộng 22 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, tập trung vào các vấn đề nghiên cứu như vai trò của chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; tổ chức hoạt động PCCC tại làng nghề; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC&CNCH; hoàn thiện các quy định, nội quy về PCCC tại các điểm trông giữ xe; áp dụng pháp luật trong kiểm tra an toàn về PCCC; xây dựng lực lượng PCCC cơ sở; tổ chức hoạt động PCCC; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC… Đặc biệt, qua xét chọn, Bộ môn thấy nổi lên một số vấn đề như sinh viên đã chủ động tiếp cận vấn đề nghiên cứu, thể hiện ý tưởng trong lựa chọn vấn đề, trong đó có 2 vấn đề mới như xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra an toàn về PCCC; xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền về PCCC. Cùng với đó, tính chủ động trong nghiên cứu khoa học sinh viên năm nay, đó là lựa chọn vấn đề rất cụ thể, rõ ràng, không chung chung.
Trên cơ sở xét chọn, Bộ môn đã phân công giáo viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm để hướng dẫn và danh mục các đề tài đã được gửi về Phòng Quản lý khoa học và Đào tạo sau đại học để xét duyệt. Sau khi được xét duyệt, Bộ môn sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, bảo đảm có chất lượng, thể hiện thương hiệu của đơn vị.
Hoàng Hải (BM3)