Đã hơn 30 năm trôi qua nhưng khi kể lại về vụ chữa cháy năm xưa, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự nhiệt huyết, tinh thần lạc quan của người lính cụ Hồ chất chứa trong lời kể của ông. Nhớ lại những ngày tháng lịch sử, thầy giáo Phạm Điện Biên cho biết: Khoảng tháng 3 năm 1985, đêm đó, khi đang trực tại Trường Đại học PCCC (khi đó là Trường Cao đẳng PCCC), chúng tôi nhận được tin mỏ than Vàng Danh xảy ra cháy lớn. Lực lượng Cảnh sát PCCC Quảng Ninh lúc đó còn mỏng, chỉ vài chục người. Vì vậy, Bộ Nội vụ đã điều động một số đơn vị địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Bắc, Hà Sơn Bình và Trường Cao đẳng PCCC đến để hỗ trợ và chi viện chữa cháy. Tôi khi đó đang là giáo viên khoa Phòng cháy chữa cháy của nhà trường đã cùng 6 cán bộ và học viên khác của trường được cử đi chi viện chữa cháy mỏ than Quảng Ninh. Là Đội trưởng Đội chữa cháy của nhà trường nên tôi chịu trách nhiệm phụ trách đội chữa cháy hôm đó, cùng với các đồng chí khác và 1 xe chữa cháy nhanh chóng lên đường.
Vụ cháy mỏ than Quảng Ninh xảy ra tại Vỉa số 7 vào lúc 23 giờ 15 phút ngày 3/3/1985. Đây được xem là yết hầu kinh tế của mỏ. Vỉa 7 có chiều dày từ 6-9m, trữ lượng 1,44 triệu tấn. Điểm cháy cách cửa lò 520 – 680m, diện tích cháy khoảng 130m2. Đồng chí Thiếu tướng Hà Ngọc Tiếu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nhân dân khi đó đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo chữa cháy. Đồng chí Lê Thành – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy là người trực tiếp chỉ huy vụ chữa cháy này.
Đám cháy khi đó gây ra nhiều tình thế khó khăn cho các cán bộ, chiến sỹ và công tác chữa cháy được thực hiện trong điều kiện đặc biệt phức tạp. Cháy mỏ than nên khí ôxít các bon (CO) tỏa ra nồng nặc và vô cùng độc hại. Điểm lấy nước chữa cháy là một con suối cách chỗ chữa cháy 4km. Trong khi đó, đường vào chỗ chữa cháy là trên đồi, dốc cao, lại có sương mù, đường rất trơn trượt, khó đi và nguy hiểm. Ban đầu, phương án được đưa ra là đánh sập lò, xây tường bịt kín làm ngạt lửa, nhưng sau đó, qua trinh sát và nghiên cứu, phân tích, Ban Chỉ huy chữa cháy đã đưa ra phương án mới là chữa cháy đánh trực tiếp vào mặt lửa. Toàn bộ lực lượng lúc đó đã thống nhất triển khai thực hiện theo phương án này. Theo sự phân công của Ban Chỉ huy, tôi cùng với các đồng chí phụ trách các đơn vị khác lập tức triển khai lực lượng chiến sỹ thành nhiều nhóm như: nhóm trinh sát, nhóm tổ chức thông gió, nhóm triển khai đường vòi dẫn nước tạo các mũi tiến công tới điểm cháy, nhóm đắp đập ngăn nước và chở nước phục vụ chữa cháy, nhóm thông tin liên lạc, nhóm hậu cần… Vì chữa cháy trong hầm lò, điều kiện vừa tối, ẩm lại nhiều khí độc nên mỗi lính chữa cháy chúng tôi khi thực hiện nhiệm vụ ngoài đi ủng và mặc trang phục thông thường của lính chữa cháy thì mỗi người đều đeo mặt nạ thán khí và có một đèn soi trên đầu như thợ mỏ. Chúng tôi đi sâu vào lòng đất để chữa cháy. Đường hầm mỏ rất dài, được đào như kiểu giao thông hào, chúng tôi đi bộ cũng mất phải mấy tiếng. Có chỗ đường hầm thông thoáng thì chúng tôi đi được, nhưng cũng có chỗ đường hầm bị bít, chúng tôi phải lom khom bò, nhích từng tí một.
Vì chữa cháy trong hầm mỏ, nên không gian hẹp lắm. Mỗi khi vật dụng bị chạm vào cột chống, đất đá lại rơi rào rào xuống người. Các anh em chữa cháy trong tình thế đối mặt nguy hiểm cận kề vì trường hợp hầm sập là hoàn toàn có thể xảy ra. Không khí trong hầm mỏ rất nóng nhưng vẫn ở mức chịu đựng được. Nhưng khổ nhất có lẽ là nhóm tấn công mặt lửa vì phải chịu nhiệt độ nóng rát.
Nước phun vào hầm mỏ khiến than rơi xuống đầy người chúng tôi. Mồ hôi, nước, than trộn vào nhau, cảm giác dấp dính vô cùng khó chịu. Toàn người chúng tôi, ai cũng đen sì, đầy dầu mỡ. Và ngày nào chúng tôi cũng chữa cháy trong cảm giác đó mấy tiếng liền cho đến khi hết ca của mình, có người khác vào thay. Mỗi ngày, chữa cháy xong, tắm rửa phải dùng xà phòng và nước nóng kỳ cọ thật lâu mới hết được cái cảm giác dấp dính mỡ toàn thân như vậy.
Chúng tôi cứ chiến đấu với giặc lửa như vậy trong nhiều ngày. Để nâng cao hiệu quả chữa cháy, các cán bộ của Cục Cảnh sát PCCC cũng đã gấp rút phối hợp với các chuyên gia Liên Xô nghiên cứu và sản xuất được lăng chữa cháy chuyên dụng có thể đóng được vào vỉa than đang cháy để phun nước ngay tại mỏ. Sáng kiến này đã khiến năng suất chữa cháy tăng lên nhiều lần, hỗ trợ rất nhiều cho các cán bộ, chiến sỹ. Chúng tôi làm nhiệm vụ theo ca, người này mệt thì có người khác vào thay, cứ vậy luân phiên nhau. Mọi người đều khẩn trương, trách nhiệm làm nhiệm vụ của mình. Chữa cháy đến trưa hoặc tối thì anh em về đơn vị ăn cơm tập thể do địa phương chuẩn bị sẵn. Buổi tối, các anh em chiến sỹ ngủ luôn trên xe nhưng ai cũng thấy bình thường, không có gì bất tiện cả và sáng hôm sau chúng tôi lại chữa cháy tiếp. Ròng rã gần một tuần thì vụ cháy đã được khống chế gần như hoàn toàn. Nhà trường và các đơn vị chi viện được rút dần, còn lực lượng tỉnh Quảng Ninh thì ở lại tiếp tục thực hiện nốt các công đoạn, hoàn thành nhiệm vụ. Sau khoảng 10 ngày thì vụ cháy mỏ than Vàng Danh chính thức được dập tắt hoàn toàn. Tính ra, chúng tôi đã cứu được một vỉa than có giá trị gần 17 tỷ đồng vào thời giá lúc ấy. Sau khi được chữa cháy, mỏ than Vàng Danh lại tiếp tục sản xuất than ngay sau đó cho đất nước. Đây là thành quả mà anh em chữa cháy ai cũng thấy vui mừng.
Trước tinh thần chiến đấu bền bỉ, gan dạ và nhiệt huyết của lực lượng chữa cháy, và thành tích to lớn đã bảo vệ được một trong những mỏ than trọng yếu của đất nước, nhà trường và các đơn vị tham gia chữa cháy đã được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen. Chiến công này được lịch sử, Đảng, Nhà nước và nhân dân đều ghi nhận. Ngoài vụ chữa cháy mỏ than Vàng Danh, Quảng Ninh năm 1985, tôi và đội chữa cháy học tập của nhà trường cũng tham gia, hỗ trợ chữa cháy thêm nhiều vụ cháy khác bảo vệ tài sản cho đất nước… ”
Hôm nay, một phần quá khứ vàng son của lịch sử lại được sống lại trong ký ức của người chiến sỹ tâm huyết năm xưa. Điều đáng quý với thế hệ trẻ chúng tôi là vụ chữa cháy mỏ than Vàng Danh, Quảng Ninh và những câu chuyện chiến đấu của thầy giáo Phạm Điện Biên, mỗi câu chuyện đều đã cho chúng tôi thấy phần nào hình ảnh, điều kiện, ý chí hoàn thành nhiệm vụ của những người lính chữa cháy năm xưa và đã phản ánh được những giai đoạn chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC thật đáng tự hào.
Hạnh Hương