An toàn PCCC dịp tết Nguyên đán – Trách nhiệm không chỉ riêng ai

Theo thống kê mới nhất của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho thấy, trong năm 2017, cả nước đã xảy ra 4.095 vụ cháy, nổ, làm 107 người chết, 227 người bị thương; ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 2.125 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 12, thời điểm giáp Tết Mậu Tuất, đã xảy ra 287 vụ cháy, nổ trên địa bàn cả nước. Trong đó, nổi lên tình trạng nhiều vụ cháy, nổ xảy ra tại nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Điển hình các vụ cháy, nổ đã xảy ra thời điểm cận Tết Nguyên đán như: ngày 24/12/2017, vụ hỏa hoạn xảy ra tại một công ty sản xuất bánh kẹo ở thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) khiến nhà xưởng bị cháy hoàn toàn, 3 người bị mắc kẹt trong đám cháy; hơn 40 kiốt hàng hóa bị thiêu rụi do cháy lớn tại chợ thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) ngày 21/12/2017; cháy 12 căn nhà gây thiệt hại gần 2 tỷ đồng ở TP Long Xuyên (An Giang); vụ cháy kinh hoàng khiến 5 người trong gia đình thương vong tại căn nhà trong hẻm 161D Lạc Long Quân (phường 3, quận 11, TP Hồ Chí Minh). Hay mới đây nhất là vụ nổ tại một kho phế liệu tư nhân thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày 3/1/2018,  khiến 2 người tử vong, 9 người bị thương và nhiều nhà dân bị hư hỏng… Rõ ràng, những con số thống kê trên, cho chúng ta thấy một thực trạng đáng báo động về việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn PCCC trong các hộ gia đình, các cơ quan, tổ chức, các cơ sở, doanh nghiệp còn quá lỏng lẻo.

Sở dĩ những vụ cháy, nổ xảy ra nhiều vào thời gian cận Tết là do trong giai đoạn này diễn ra nhiều hoạt động giao thương, buôn bán. Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại… tập trung khối lượng hàng hóa rất lớn để phục vụ thị trường Tết. Đồng thời, đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động chuẩn bị đón các lễ hội, tế lễ cùng tập tục đốt vàng mã và thắp hương thờ cúng gia tiên ngày Tết của người dân… Những đặc điểm trên cộng với yếu tố thời tiết hanh khô gây nên rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể trở thành cơ hội để “giặc lửa” tấn công, để lại những hậu quả khôn lường.

Nhằm đảm bảo cho nhân dân đón một cái Tết an toàn và bình yên, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống cháy, nổ; đồng thời huy động lực lượng tổ chức ứng trực, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an toàn PCCC cho nhân dân đón Tết. Tuy nhiên, để công tác PCCC thật sự đạt hiệu quả thì không chỉ do sự cố gắng của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH mà còn cần có sự hợp tác tích cực của toàn xã hội, của mỗi chính quyền địa phương, của chính những người đứng đầu các cơ sở, tổ chức và từng cá nhân trong các hộ gia đình. Đặc biệt là trách nhiệm tổ chức, duy trì công tác PCCC của người đứng đầu cơ sở và lực lượng PCCC tại chỗ.

Văn bản quy phạm pháp luật về PCCC đã quy định rõ trách nhiệm PCCC là của toàn dân. Trong Khoản 1 Điều 5 Luật PCCC và Khoản 2 Điều 1 Luật Sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật PCCC đã quy định rõ về trách nhiệm, nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, các chủ hộ gia đình và từng cá nhân trong việc bảo đảm an toàn PCCC tại cơ quan, tổ chức và hộ gia đình. Nhưng thực tế hiện nay, nhận thức và ý thức chấp hành quy định PCCC trong toàn xã hội vẫn còn nhiều bất cập. Một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đúng đắn, nếu không muốn nói là thờ ơ, bàng quan, thiếu hiểu biết về những kỹ năng cơ bản trong công tác đảm bảo an toàn PCCC. Họ cho rằng đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của riêng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Thực trạng này dẫn đến sự lơ là, chủ quan, bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh như: sử dụng hệ thống điện chưa bảo đảm an toàn, vi phạm các quy định an toàn trong hàn cắt; sắp xếp vật dụng, hàng hóa gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Thậm chí còn tồn chứa, buôn bán trái phép các chất nguy hiểm về cháy, nổ như: hóa chất, xăng dầu… Theo điều tra của cơ quan chức năng, có tới 45 50% số vụ hỏa hoạn xảy ra, có nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết và ý thức kém của người dân trong công tác phòng ngừa. Ví dụ, trong vụ cháy khiến một chiến s Cảnh sát PCCC hy sinh tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cơ quan điều tra đã thực nghiệm lại hiện trường theo lời khai nhân viên bảo vệ kho chứa hàng xác định nguyên nhân gây cháy phát sinh từ việc đốt nhang muỗi cạnh vật dụng dễ cháy dẫn đến bùng cháy ra toàn bộ căn nhà. Hay trong vụ nổ kho phế liệu ngày 3/1/2018 tại Bắc Ninh vừa qua, nguyên nhân là do hộ gia đình thu mua phế liệu đã tàng trữ vật liệu nổ trái phép và thiếu hiểu biết trong sử dụng, bảo quản vật liệu nổ nên đã gây ra hậu quả đau lòng.

Việc thực hiện về an toàn PCCC của các hộ dân thì như vậy, còn đối với các đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong diện quản lý nhà nước về an toàn PCCC thì còn phức tạp hơn. Một số người đứng đầu cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình trong công tác PCCC nên chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, thiếu quan tâm đến việc tổ chức công tác PCCC, còn tồn tại nhiều vi phạm, thiếu sót dẫn đến nguy cơ cháy, nổ. Tại nhiều đơn vị, cơ sở doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC; hầu hết thiếu sự quan tâm đến việc quy hoạch, đầu tư mua sắm, trang bị phương tiện PCCC. Tình trạng cơ sở tận dụng triệt để mặt bằng cho việc sản xuất, kinh doanh, bất chấp những quy định về an toàn PCCC rất phổ biến. Các cơ sở này thường cho nhiều đơn vị thuê để làm nơi sản xuất, trữ chứa hàng hoá… với khối lượng lớn, vượt quá tải trọng thiết kế, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; nhiều đơn vị tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình nhưng không báo cho cơ quan chức năng làm nguy cơ cháy tăng cao dẫn đến cháy lớn, thiêu huỷ nhiều hàng hoá, tài sản…

Lực lượng PCCC tại chỗ của nhiều cơ sở chưa được đào tạo, huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện về nghiệp vụ PCCC đầy đủ; không xây dựng, thực tập phương án chữa cháy tại chỗ nên nhiều vụ cháy xảy ra, lực lượng tại chỗ không phát hiện được, xử lý rất lúng túng, không đủ khả năng khống chế đám cháy. Theo quy định của Luật PCCC đối với cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ, trong một năm, lực lượng Cảnh sát PCCC chỉ được kiểm tra 4 lần và trước khi kiểm tra phải thông báo cho cơ sở trước 3 ngày, việc này dẫn đến tình trạng đối phó của cơ sở đối với cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, sau đó tình trạng vi phạm lại tiếp diễn mà Cảnh sát PCCC không thể hàng ngày có mặt để kiểm tra được, xử lý được.

Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng vẫn còn thờ ơ, chưa thực hiện hết trách nhiệm. Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương cho rằng việc đảm bảo an toàn PCCC đơn thuần là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC nên chưa thực sự quan tâm đúng mức để cùng phối hợp với các đơn vị Cảnh sát PCCC trong việc chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCC, chưa huy động được đông đảo tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Ngoài ra, lực lượng PCCC chuyên nghiệp mới chỉ thực hiện việc tuyên truyền tại các cơ sở trọng điểm, các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng Dân phòng, dân quân tự vệ tại các xã, phường. Sau đó lực lượng này sẽ tiếp tục tiến hành tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC đến các hộ dân, còn việc thực hiện như thế nào, và hiệu quả đến đâu thì lại không thể xác định được.

Có thể nói, để làm tốt công tác an toàn PCCC phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và để việc cháy, nổ không còn là vấn đề nhức nhối, nan giải của xã hội thì điều quan trọng nhất là cần có sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Các đơn vị Cảnh sát PCCC cần tổ chức xây dựng hiệu quả phong trào Toàn dân tham gia PCCC để nâng cao ý thức của toàn xã hội trong công tác PCCC. Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra thông qua sinh hoạt tổ dân phố, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi… mà còn đưa việc tuyên truyền giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH vào chương trình học tập hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục từ bậc Tiểu học đến các trường Đại học. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng Dân phòng để đội ngũ này có đủ năng lực xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Đối với các cấp ủy, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu để nắm rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC. Đẩy mạnh, đổi mới các phương pháp, cách thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật để thu hút sự quan tâm của người dân, giúp họ hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác PCCC&CNCH. Tổ chức thành lập và vận động quần chúng nhân dân tham gia Đội Dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại các khu dân cư; tổ chức cho Đội Dân phòng tham gia thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy; xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng (Cảnh sát PCCC, Công an, điện lực, cấp nước, y tế…) để phục vụ công tác chữa cháy hiệu quả.

Đối với người đứng đầu cơ sở hay các chủ hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác PCCC tại gia đình, đơn vị, doanh nghiệp mình; đảm bảo hiệu quả công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở. Giáo dục ý thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trong đơn vị, doanh nghiệp và những người thân trong gia đình. Chú trọng tổ chức đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ công tác PCCC cho lực lượng PCCC tại chỗ của đơn vị mình để nâng cao hiệu quả chữa cháy ban đầu. Mỗi cá nhân cần tự nêu cao ý thức chủ động phòng ngừa cháy, nổ, chấp hành nghiêm quy định về PCCC, tìm hiểu pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH và tính năng, tác dụng của các thiết bị chữa cháy để xử lý tốt khi có tình huống, sự cố đáng tiếc xảy ra.

PCCC không phải là việc của riêng ai, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người. Vì thế, cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, mỗi người dân, mỗi chính quyền địa phương, mỗi cơ quan, đoàn thể nên tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bản thân. Có như vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC trong dịp Tết Nguyên đán nói riêng và đảm bảo an toàn PCCC nói chung mới đạt được hiệu quả; tai nạn cháy, nổ mới từng bước được đẩy lùi, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng bình yên, giàu mạnh.

Hồng Vân 

Sáng đẹp hình ảnh người chiến sỹ Công an trong thời đại Hồ Chí Minh
Chữ xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam nằm trong quy luật vận động của cách mạng thế giới