Chữ xuân trong thơ Hồ Chí Minh

Chữ Xuân có nghĩa gốc (nghĩa đen) là mùa Xuân. Nhưng từ ý nghĩa ấy, chữ Xuân còn được dùng với nghĩa rộng và nghĩa bóng. Đọc thơ danh nhân Hồ Chí Minh sẽ thấy Bác đã sáng tạo, biến hóa tài tình trong cách dùng từ Xuân để thể hiện ý tứ bài thơ. Những bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác trong quá trình hoạt động cách mạng, từ Xuân được Người dùng để chỉ thời gian rất hay trong bài thơ sau đây:

 

Xuân này kháng chiến đã năm Xuân

Nhiều Xuân kháng chiến càng gần thành công.

(Bài thơ chúc Tết năm Tân Mão 1951)

 

Ngày xưa, các thi hào nước ta thường dùng Thu, Đông để chỉ một năm, chẳng hạn câu thơ của thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Ba thu dồn lại, một ngày dài ghê”. Trong bài thơ Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nói trên có từ “năm Xuân” ám chỉ thời gian kháng chiến chống giặc ngoại xâm đã 5 năm. Rất sáng tạo và phù hợp với không khí của một mùa Xuân vừa đến. Trong nhiều bài thơ sáng tác thời kháng chiến chống thực dân Pháp, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dùng từ Xuân để chỉ tuổi của nước và tuổi của Đảng Cộng sản Việt Nam:

Mừng nhà nước ta mười lăm Xuân xanh!

Mừng Đảng chúng ta đã ba mươi tuổi trẻ!

(Thơ mừng năm mới – 1960)

 

Từ “Xuân” kết hợp với “xanh” để thành “Xuân xanh” chỉ tuổi trẻ. Câu trên “mười lăm Xuân xanh”, câu “dưới ba mươi tuổi trẻ” làm cho ý thơ khỏe khoắn, phơi phới niềm tin, cảm hứng thơ Xuân in rõ dấu ấn thời gian. Trong thơ nói về tuổi già, từ Xuân được Bác Hồ dùng như một tính từ đối lập với già và trẻ:

Sáu mươi tuổi còn Xuân chán,

So với ông Bành vẫn còn thiếu niên.

 

Rõ ràng tác giả câu thơ nói trên có một tâm hồn rất trẻ trung và lạc quan như hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã viết: Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười – Quên tuổi già tươi mãi tuổi đôi mươi. Ngay từ khi sắp từ giã cuộc sống thì sự trẻ trung yêu đời ấy vẫn thấm đẫm trong tờ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khi người ta đã “ngoài 70 Xuân…” (ý nói là Người đã ngoài 70 tuổi nhưng cách viết ấy vẫn thể hiện sự điềm tĩnh và trẻ trung). Từ Xuân còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để nói lên niềm vui chiến thắng. Trong bài thơ cuối cùng của mình, niềm vui ấy vẫn tưng bừng sắc Xuân:

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,

Một năm là cả 4 mùa Xuân.

 

Trong nguyên văn: “Một năm cả 4 mùa đều là Xuân” – có nghĩa là cả 4 mùa đều tràn đầy niềm vui và chiến thắng.

Những từ Xuân trong thơ Xuân của lãnh tụ Hồ Chí Minh sử dụng quả thật  tài tình và biến hóa. Nhưng sáng tạo nhất, hàm chứa nhiều ý nghĩa phong phú nhất, phải nói đến từ Xuân trong hai câu thơ Tết trồng cây Bác viết vào mùa Xuân năm 1965:

Mùa Xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân.

 

Xuân ở đây trở thành một tính từ, bao hàm nhiều nghĩa: sự xanh tươi, sự trẻ trung, sự trù phú, tràn trề sức sống … Hai câu thơ đã nói lên mùa Xuân đất nước trong môi trường xanh của Tết trồng cây. Từ “Xuân” ở trong thơ Bác mở ra một viễn cảnh đẹp như chính cõi lòng của Người đang tràn ngập niềm tin vào đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn…■

 

NGUYỄN TẤN TUẤN

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam nằm trong quy luật vận động của cách mạng thế giới
An toàn PCCC dịp tết Nguyên đán – Trách nhiệm không chỉ riêng ai
Hồ Chí Minh – tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, không thể xuyên tạc