Thờ cúng thần Phật, tổ tiên vốn là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt từ xa xưa đến nay, cùng với đó là tục lệ thắp hương, đốt vàng mã vào các ngày lễ và đặc biệt tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán. Tục lệ này không chỉ ở phạm vi cúng lễ trong gia đình mà nó còn diễn ra tại các đền, chùa, cơ quan, đặc biệt là những người làm kinh doanh, buôn bán… Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều người dân tốn không ít tiền của để mua đồ vàng mã đốt cúng thần Phật, tổ tiên mong được phù hộ, làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, việc thắp hương, đốt vàng mã tràn lan không chỉ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn những nguy cơ cháy, nổ khôn lường.
Vào những ngày cuối năm cận Tết, nếu như chúng ta đi vào những khu phố thuộc trung tâm buôn bán của các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng… sẽ thấy bày bán tràn lan khối lượng rất lớn hàng hóa là đồ vàng mã với đa dạng về hình thức, chủng loại, kích cỡ, màu sắc. Hàng hóa vàng mã từ những đầu mối buôn bán này sẽ được vận chuyển đến các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ ở khắp mọi miền đất nước. Sở dĩ việc kinh doanh, buôn bán vàng mã phát triển như vậy là do tục lệ đốt vàng mã cúng lễ chư vị thần Phật và tổ tiên của người dân. Hàng năm, ngoài dịp Tết Nguyên đán, người Việt Nam còn có rất nhiều dịp cúng lễ như: lễ đầu xuân tại các đình, chùa; lễ dâng sao giải hạn; lễ Rằm tháng Giêng; Lễ Xá tội vong nhân (Rằm tháng Bảy); các ngày giỗ của ông bà, tổ tiên; các ngày mùng Một, Rằm hàng tháng… kèm theo đó là số lượng khổng lồ vàng mã được đốt đi. Ước tính mỗi năm người dân Việt Nam đã đốt hơn 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn khoảng 5000 tỷ đồng. Một con số khiến bất kỳ ai trong chúng ta khi nghe đến cũng phải giật mình. Có thể thấy rằng tục lệ đốt vàng mã đã gây ra một sự lãng phí tốn kém không hề nhỏ cho xã hội. Không chỉ gây lãng phí tốn kém về tiền bạc, việc đốt vàng mã ồ ạt còn làm ảnh hưởng nặng nề tới môi trường sống xung quanh chúng ta, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Đã có nghiên cứu phát hiện ra giấy vàng mã có chứa chất độc hại “benzen” – đây là một loại chất độc và chất gây mê, nhẹ thì gây chóng mặt, đau đầu và kích động thần kinh, nặng thì co giật, ảnh hưởng đến hô hấp, gây ra các bệnh về mắt, da và có thể tử vong. Độc hại hơn khi rất nhiều người trong lúc hóa vàng thường bỏ luôn cả dây chun, túi nhựa và các vật phẩm đựng khác vào để đốt cùng, sau đó mang tro hóa vàng ra sông, ao, hồ để rải xuống hoặc để tro bụi bay theo gió, gây ô nhiễm nặng nề cho không khí và nguồn nước.
Bên cạnh những ảnh hưởng xấu về môi trường, trong nhiều năm qua, việc đốt vàng mã còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân. Chúng ta chưa thể quên vụ cháy ở khu nhà gỗ phố Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm năm 2007 khiến 1 người tử vong và thiêu rụi 25 căn nhà. Nguyên nhân vụ cháy là do một gia đình ở căn nhà gỗ đốt nhiều vàng mã làm lửa bén vào sàn gỗ, khiến bình gas phát nổ, gây hỏa hoạn. Hay vụ cháy thiêu rụi 8 căn nhà trên đường Lương Thế Vinh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) dịp áp Tết năm 2013 do một gia đình khi đốt vàng mã cúng ông Công, ông Táo làm tàn lửa bay vào đống mút xốp để gần đó khiến cho lửa bốc cháy dữ dội. Trong năm 2014, tại tỉnh Bình Định đã xảy ra 2 vụ cháy rừng dữ dội vì đốt vàng mã, thiêu rụi khoảng 70ha rừng, uy hiếp sự an toàn của hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh. Khi xảy ra vụ cháy, tỉnh Bình Định đã phải huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ và người dân để thâu đêm chữa cháy. Ngày 22/02/2015 (Mùng 4 Tết), xảy ra một vụ cháy tại chợ Kinh Môn (còn được gọi là chợ Đồn, ở thị trấn Kinh Môn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) khiến 100 kiốt bị thiêu rụi, thiệt hại vài tỉ đồng, nguyên nhân do một tiểu thương trong chợ làm lễ hóa vàng gây ra hỏa hoạn. Vụ cháy xảy ra ngày 24/7/2016, tại một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vàng mã ở huyện An Lão, Hải Phòng làm 2 cháu bé tử vong và toàn bộ tài sản trong ngôi nhà bị thiêu rụi. Một xe bồn chở 23.000 lít xăng ở Móng Cái, Quảng Ninh bị cháy rụi hoàn toàn ngày 7/8/2016 do tàn lửa từ việc đốt vàng mã của gia đình ở ngay cạnh cây xăng, phát tán đúng lúc xe bồn đang bơm xăng xuống bể chứa. Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 15/9/2018, hàng nghìn cư dân sống tại chung cư Gold View (đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh) phải sơ tán khẩn cấp trong đêm vì có cháy tại một căn hộ. Trước đó, một cư dân sống ở đây lúc đốt vàng mã ngoài hành lang đã để lửa bén sang nhiều tấm bìa carton bên cạnh khiến lửa bùng phát dữ dội. Ngày 09/10/2018, một vụ cháy lớn xảy ra tại quán karaoke 7 tầng ở phố Hào Nam, gần ngã tư Hào Nam – Đê La Thành (Hà Nội) khiến cột viễn thông lớn trên nóc nhà và nhiều đồ đạc trong ngôi nhà bị thiêu rụi. Nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do chủ nhà đốt vàng mã nhân ngày mồng 1 âm lịch…Và còn rất nhiều vụ cháy lớn, nhỏ khác được cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu xuất phát từ việc vô ý, thiếu hiểu biết của người dân khi đốt vàng mã.
Nhằm chấn chỉnh việc đốt vàng mã – tục lệ mang tính tâm linh lâu đời của người dân đi vào nền nếp hơn, ngày 01/9/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Nghị định quy định người dân đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa sẽ bị phạt tiền. Năm 2013, tại Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh các quy định này. Song, hoạt động đốt vàng mã một cách bất cẩn trên hè phố, lề đường hay tại chính nhà dân gây nhiều nguy cơ cháy, nổ diễn ra nhiều năm qua thì không được nhắc đến. Trên thực tế cho thấy, phần lớn những vụ cháy, nổ xảy ra do việc đốt vàng mã lại là tại các hộ gia đình. Có lẽ vấn đề lớn nhất mà các cấp quản lý gặp phải khi đưa ra các chế tài xử phạt về việc đốt vàng mã bất cẩn chính là do tục lệ này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Nên nếu đưa ra các quy định xử phạt về hành vi đốt vàng mã tại gia đình chắc chắn sẽ gặp phải những phản ứng dữ dội từ người dân. Nhiều cán bộ công tác trong lĩnh vực PCCC ở các địa phương chia sẻ, muốn đảm bảo an toàn PCCC trong việc đốt vàng mã tại các gia đình thì chỉ biết dựa vào việc tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân chứ không thể đi nhắc nhở, xử phạt được vì thiếu chế tài. Tuyên truyền là như vậy, nhưng rõ ràng đã xảy ra quá nhiều tai nạn cháy nổ do sự bất cẩn của người dân khi đốt vãng mã. Có lẽ đã đến lúc các cơ quan quản lý nên quy định cả việc xử phạt đốt vàng mã không đúng nơi quy định ở các khu dân cư, chung cư, đường, hè phố và cấm đốt dưới gốc cây. Đi kèm là khung hình phạt phải đủ sức răn đe và các biện pháp tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ hơn và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường xanh – sạch, đảm bảo an toàn PCCC.
Hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an các tỉnh, địa phương đã đưa ra một số khuyến cáo với người dân để hạn chế những tai nạn cháy nổ có thể xảy ra khi đốt vãng mã, như: cẩn trọng việc thắp hương, thắp nến thờ cúng và hóa vàng mã; thắp hương cách xa trần gỗ, xa các vật dụng dễ cháy và phải có người trông coi; không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn như nhà lầu, xe hơi… để tránh nguy cơ gây hỏa hoạn; nên đốt vàng mã ở nơi cách xa các vật liệu dễ cháy. Khi đốt vàng mã, phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro, đề phòng cháy ngầm. Người dân tuyệt đối không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy. Bố trí nơi thắp hương thờ cúng, các vật dụng trang thiết bị trên bàn thờ đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan, việc thắp hương phải có người trông coi, tránh việc thắp hương vòng qua đêm, đặc biệt khi sử dụng nến cần phải được kê trên các đế đỡ không cháy. Các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ cần đảm bảo an toàn PCCC về điện, dây dẫn đảm bảo cường độ dòng điện, hệ thống điện cần phải có át-tô-mát để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy. Tại các chợ, phải có khu vực riêng cho việc đốt hương, thờ cúng của tiểu thương. Tại các khu vực đền, chùa cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, có ý thức chấp hành về PCCC.
Để tục lệ đốt vàng mã không còn trở thành nỗi lo canh cánh trong lòng chúng ta, mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức của mình, cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã. Hãy để những tục lệ tâm linh lâu đời của chúng ta thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về.■
DIỆP CHI