Một số biện pháp bảo đảm an toàn khi xử lý sự cố cháy, nổ hoá chất liên quan đến Photpho

Photpho và các sản phẩm cháy của Photpho là những hóa chất độc hại, có tính nguy hiểm cháy, nổ cao. Do vậy, quá trình xử lý các sự cố liên quan đến Photpho cần đặc biệt tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia xử lý.

 

Tại Việt Nam, sản lượng sản xuất Photpho vàng hàng năm đạt hơn 100.000 tấn, chủ yếu được sản xuất tại Lào Cai, từ đó phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu đi các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ … Với sản lượng khai thác lớn và không ngừng gia tăng do sự phát triển của nền kinh tế thì nguy cơ tiềm rủi ro cháy, nổ hoá chất liên quan đến Photpho là rất cao. Một số vụ cháy, nổ liên quan đến Photpho điển hình như: Vụ cháy xe đầu kéo chở Photpho vàng xảy ra ngày 21/2/2019 trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai uy hiếp an toàn cây xăng tại trạm dừng nghỉ, rất may không gây thiệt hại về người; sự cố sập lò điện của Công ty Cổ phần Phốt pho Apatit Việt Nam xảy ra ngày 10/8/2021 khiến Photpho rò rỉ và tự bốc cháy, tuy nhiên không gây thiệt hại nghiêm trọng. Đáng chú ý nhất có thể kể đến vụ cháy 01 phuy Photpho vàng trong Container trên Tàu Contship Ace tại Cảng Nam Hải, TP Hải Phòng xảy ra ngày 27/11/2015 đã làm 52 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH bị ngộ độc.

 

Trên thế giới từng ghi nhận nhiều vụ cháy như vậy, trong đó nguy hiểm nhất phải kể đến vụ lật đoàn tàu chở khoảng 300 tấn Photpho vàng xảy ra ngày 05/7/2007 tại Ukraine làm hơn 150 người bị thương, đám mây hoá chất do cháy phát tán một vùng rộng trên 90km² và phải sơ tán toàn bộ dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.

 

Hình ảnh hiện trường vụ cháy Photpho tại cảng Nam Hải ngày 27/11/2015.

 

Hình ảnh đám mây oxit Photpho phát tán trong vụ lật đoàn tàu tại Ukraine.

 

Đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ hoá chất liên quan đến Photpho

Photpho là nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và các dẫn xuất khác trong ngành công nghiệp hoá chất. Photpho tồn tại phổ biến ở thể rắn dạng sáp có mùi đặc trưng khó ngửi tương tự như: mùi tỏi, không tan trong nước, tồn tại chủ yếu dưới ba dạng thù hình cơ bản là: trắng, đỏ và đen, trong đó Photpho trắng và đỏ là phổ biến nhất. Photpho là một phi kim đa hóa trị, độ hoạt động hoá học cao, phản ứng dữ dội với các chất oxy hóa, halogen, một số kim loại, nitrit, lưu huỳnh và nhiều hợp chất khác, gây ra nguy cơ cháy, nổ. Ngoài ra, Photpho còn phản ứng với các bazơ mạnh để tạo ra khí Phosphine (PH3) có độc tính nguy hiểm.

 

Trong công nghiệp, Photpho trắng thường lẫn tạp chất nên có màu vàng và được gọi là Photpho vàng. Photpho trắng tự bốc cháy ở 30ºC khi tiếp xúc với không khí ẩm tạo ra khói trắng chứa các hạt tinh thể P2O5. Photpho trắng nóng chảy ở nhiệt độ 44ºC, do vậy khi cháy rất dễ gây cháy lan. Đối với Photpho đỏ thì chúng ổn định hơn, tự bốc cháy ở nhiệt độ 250ºC hoặc do va chạm sinh ra nhiệt trong quá trình ma sát. Do vậy, với những đặc điểm nêu trên, khi vận chuyển Photpho người ta thường cho Photpho ngập trong các phuy hoặc bồn chứa đầy nước để tránh tiếp xúc với không khí.

 

Hình ảnh phuy sắt mạ kẽm vận chuyển Photpho vàng.

 

Đặc điểm của các vụ cháy, nổ hoá chất liên quan đến Photpho là toả ra lượng nhiệt lớn đi kèm với đám mây hoá chất độc hại gồm các hạt P2O5, khí PH3,… Bên cạnh đó, khi cháy Photpho nóng chảy loang trên bề mặt, gây nguy cơ cháy lan, các hạt tinh thể P2O5 háo nước, phản ứng với nước giải phóng một lượng nhiệt đáng kể có thể gây cháy, khi gặp hơi nước trong quá trình chữa cháy tạo ra sương mù axit độc hại. Thêm vào đó, các hạt tinh thể P2O5 có tính ăn mòn, có thể gây bỏng, gây nguy hiểm cho mắt, hệ hô hấp và đường tiêu hoá của con người. Khi xảy ra cháy sẽ hình thành đám mây hoá chất độc hại, thành phần chủ yếu là các hạt oxit của Photpho, nó có tỷ trọng nặng hơn không khí nên sẽ phân tán là là trên mặt đất, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường xung quanh. Ngoài ra, sản phẩm cháy còn chứa nhiều loại khí độc hại khác, do vậy việc tổ chức triển khai chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần phải đặc biệt chú ý đến các biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia.

 

Những tác động đối với con người và môi trường

Photpho có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, ăn uống hoặc tiếp xúc qua da gây bỏng ngay lập tức. Các dấu hiệu và triệu chứng của phơi nhiễm cấp tính với Photpho có thể nghiêm trọng và xảy ra trong ba giai đoạn:

– Giai đoạn đầu tiên sẽ bao gồm bỏng, đau, sốc, khát nước dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng dữ dội và “phân bốc khói”. Hơi thở và phân có thể có mùi tỏi.

– Giai đoạn thứ hai sẽ là giai đoạn không có triệu chứng trong vài ngày, trong đó bệnh nhân dường như đang hồi phục.

– Giai đoạn thứ ba có thể nghiêm trọng và bao gồm buồn nôn, nôn ra máu, tiêu chảy (có thể có máu), vàng da, gan to và đau, tổn thương thận, tiểu máu (nước tiểu có máu) và thiểu niệu (có ít nước tiểu) hoặc vô niệu (không có nước tiểu ). Nhức đầu, co giật, mê sảng, hôn mê, rối loạn nhịp tim và trụy tim mạch có thể xảy ra.

Nếu Photpho tiếp xúc với mắt, có thể xảy ra kích ứng, bỏng nặng, co thắt mi, chảy nước mắt, chứng sợ ánh sáng (tăng độ nhạy cảm với ánh sáng) và có thể dẫn đến phá hủy hoàn toàn mắt. Ngoài ra nạn nhân có thể bị xuất huyết tự phát trên da và niêm mạc bị nhiễm Photpho.

 

Một số biện pháp bảo đảm an toàn khi xử lý sự cố cháy, nổ hoá chất liên quan đến Photpho

– Lực lượng chữa cháy, CNCH khi tham gia xử lý sự cố cháy, nổ liên quan đến Photpho phải nắm đầy đủ tính chất nguy hiểm của hoá chất, các yếu tố nguy hiểm trong quá trình chữa cháy và CNCH (thông qua phương án, phiếu an toàn hóa chất, số hiệu nguy hiểm của hóa chất được ghi trên nhãn mác bao bì để tra cứu thông tin qua Hệ thống GHS).

– Tổ chức trinh sát để xác định quy mô, diễn biến đám cháy và xác định các yếu tố nguy hiểm từ đám cháy như nồng độ khói, khí độc, sự biến dạng của cấu kiện xây dựng, nguy cơ phá huỷ các thiết bị, hệ thống thiết bị, hệ thống ở khu vực cháy… để đưa ra phương pháp, biện pháp xử lý phù hợp. Hoạt động trinh sát phải được tổ chức ngay từ đầu và thực hiện trong suốt quá trình xử lý sự cố. Thành phần các Tổ trinh sát có người của cơ sở hoặc chuyên gia xử lý hóa chất tham gia phối hợp để xác định và đánh giá tình hình sự cố đang diễn ra.

– Tổ chức phân vùng nguy hiểm: Đối với sự cố cháy Photpho, khả năng nguy hiểm nhất là việc phát tán hóa chất độc hại (có thể là các sản phẩm cháy) ra khu vực xung quanh. Do vậy, sau khi trinh sát đám cháy liên quan đến Photpho, chỉ huy chữa cháy cần xác định vùng chịu ảnh hưởng. Sự cố hóa chất thường được phân chia thành 03 vùng: vùng nóng (khu vực sự cố hóa chất đang diễn ra), vùng ấm (khu vực ảnh hưởng của sự cố hóa chất) và vùng lạnh (khu vực an toàn). Để xác định bán kính các vùng nguy hiểm căn cứ vào chủng loại hóa chất (căn cứ phiếu quản lý hóa chất), nồng độ các hóa chất độc có trong môi trường (không khí, nguồn nước) bằng các thiết bị đo chuyên dụng xác định hóa chất. Khi lực lượng xử lý (chữa cháy, di dời hóa chất, xử lý sự cố) vào vùng ấm và vùng nóng phải trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ phù hợp nhằm tránh các tác động từ hóa chất.

 

Hình ảnh mô phỏng sơ đồ phân vùng nguy hiểm khi xử lý sự cố

 

– Tuyệt đối tuân thủ các biện pháp an toàn, được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân. Lực lượng trực tiếp vào vùng nguy hiểm của hoá chất (vùng nóng và vùng ấm) phải trang bị đầy đủ trang phục chuyên dụng chống hoá chất như quần áo chống hoá chất dương áp, găng tay, ủng chống hoá chất, mặt nạ phòng độc cách ly, mặt nạ lọc độc. Trong suốt quá trình xử lý, phải tổ chức giám sát theo dõi thời gian hoạt động, sử dụng thiết bị phòng độc của cán bộ, chiến sỹ trong vùng nguy hiểm để thay thế kịp thời, có phương án sơ cấp cứu người bị nạn, cán bộ, chiến sỹ bị thương.

– Việc bố trí lực lượng, phương tiện tiếp cận đám cháy phải triển khai từ đầu hướng gió thổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hướng gió có thể thay đổi do vậy đòi hỏi lực lượng tham gia cần linh hoạt, chủ động ứng phó với tình huống này, bố trí lực lượng đề phòng. Nếu đám mây hoá chất phát triển không kiểm soát được, cần tổ chức di dời người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng hoặc đưa ra các khuyến cáo kịp thời cho người dân. Ngay lập tức di dời, cách ly khu vực rò rỉ theo mọi hướng ít nhất 25m, cân nhắc sơ tán ban đầu theo hướng gió ít nhất 300m, triển khai phun nước làm mát ngăn cháy lan.

– Đối với đám cháy nhỏ, sử dụng hoá chất khô, cát ẩm, phun nước hoặc dùng bọt để dập tắt đám cháy; sau đó thu gom dần Photpho tràn đổ vào thiết bị chứa nước để Photpho hoàn toàn ngập trong nước. Đối với đám cháy lớn, sử dụng đất, cát ẩm để cô lập, khoanh vùng rồi xả ngập nước hoặc phun bọt chữa cháy trùm lên Photpho để cách ly với không khí; thu gom Photpho hoặc có thể dùng cát ẩm phủ lên Photpho sau đó phun nước và bọt chữa cháy. Lưu ý, không phun nước áp lực cao vào vùng cháy mà phun nước dạng sương để tránh văng hóa chất ra diện rộng, sau khi lửa tắt thì thu gom Photpho vào các thiết bị chứa có sẵn nước.

– Đối với đám cháy liên quan đến xe bồn, xe đầu kéo chở Photpho, khi chữa cháy, việc làm mát các thùng chứa bằng nước cần phải đảm bảo tối đa cho tới khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Khẩn trương rút lực lượng chữa cháy khi thấy có dấu hiệu âm thanh tăng lên từ lỗ thông gió của thiết bị an toàn hoặc có sự biến đổi màu của bồn chứa, đặc biệt phải luôn tránh xa bồn chứa bị chìm trong lửa. Sơ tán ban đầu và di dời các xe bồn, xe chở Photpho ra xa đám cháy trong vòng 800m theo mọi hướng từ tâm sự cố.

– Công tác thông tin liên lạc phải duy trì thường xuyên giữa cán bộ, chiến sỹ với chỉ huy. Khi thấy diễn biến sự cố phức tạp phải đánh giá đến tình huống xấu nhất, chủ động báo cáo kịp thi tình hình với lãnh đạo chính quyền địa phương, lãnh đạo Bộ Công an để đưa ra phương án ứng phó và huy động lực lượng phối hợp kịp thời để xử lý. Khi xác định thời gian xử lý phải kéo dài, chỉ huy phải tổ chức huy động lực lượng thay thế và bảo đảm công tác hậu cần chiến đấu để công tác xử lý sự cố không bị gián đoạn.

– Nước thải trong quá trình chữa cháy có tính ăn mòn, độc hại và có thể gây ô nhiễm cho môi trường, nếu tình hình cho phép, người chỉ huy đưa ra các biện pháp kiểm soát, thu gom, xử lý đúng cách.

– Sau khi xử lý xong sự cố, cần tiến hành tẩy rửa, khử nhiễm cho lực lượng, phương tiện tham gia xử lý và điều trị cho những người bị ảnh hưởng bởi hoá chất.

 

– Kết thúc quá trình chữa cháy, phải yêu cầu người đứng đầu cơ sở phối hợp với cơ quan, đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương để kịp thời xử lý hoá chất, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường./.

                   Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH

 

Hội thảo Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ
Trường Đại học PCCC nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở
Thẩm định 01 Giáo trình đào tạo trình độ Đại học PCCC&CNCH do Khoa Phòng cháy biên soạn