Nhiều người nói bận không cho con học bơi, khi tai nạn thì hối hận

Theo Trung tá Nguyễn Chí Thành – Phó Đội trưởng Đội Công tác Chữa cháy và CNCH – Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hồ Chí Minh, mỗi hè về, các vụ trẻ đuối nước xảy ra nhiều hơn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Trẻ em dù biết bơi nhưng vẫn có thể có nguy cơ đuối nước vì nhiều lý do như: bị chuột rút, không có kỹ năng cứu đuối…

 

Là người hơn 20 năm trong nghề cứu nạn cứu hộ, Trung tá Nguyễn Chí Thành cảm thấy xót xa và mong mỏi phải cấp bách phòng chống đuối nước cho trẻ bằng các việc làm cụ thể.

 

Lực lượng CNCH của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH mò tìm thi thể nạn nhân đuối nước.

 

Nguyên nhân trẻ đuối nước thường gặp

Trung tá Nguyễn Chí Thành cho hay có 3 nguyên nhân trẻ đuối nước ở TP Hồ Chí Minh thường gặp như sau:

  • Thứ nhất, khi trống tiết cuối học về sớm, các em tự rủ nhau đi tắm ao, hồ, ven sông Sài Gòn.
  • Thứ hai, trẻ em sống ven theo sông, kênh, rạch do bất cẩn bị té mà phụ huynh không kịp thời phát hiện.
  • Ngoài ra, cũng thường gặp trường hợp các bé mới biết bò bị lọt xuống khe hở giữa các ghe (nơi cư dân sống trên ghe xuồng, xóm kênh rạch – giống miền Tây). Người lớn có thấy cũng cứu không kịp vì thời gian tách các ghe ra bé đã bị đuối nước.

Từ thực trạng này, Trung tá Thành khuyến cáo phụ huynh nên bỏ thời gian ra để cho con học bơi. “Nhiều người hay nói bận công việc không cho con đi học bơi, rồi khi xảy ra tai nạn đáng tiếc thì hối hận muộn màng. Bơi là kỹ năng giúp con sinh tồn, bảo vệ chính mình”, anh nói.

 

Anh cũng nhận xét, 5 năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ đuối nước ở TP Hồ Chí Minh giảm rõ rệt. Những vụ đuối nước anh tham gia cứu nạn, cứu hộ chủ yếu là lặn mò tìm thi thể.

 

“Rất đau lòng vì có những vụ tôi và đồng đội lặn mò tìm 2 – 3 thi thể các bé cùng đuối nước do chơi cùng nhau, cứu nhau rồi chết đuối cùng nhau”, anh xót xa.

 

 

Trung tá Nguyễn Chí Thành nói thêm, nhiều người đang lầm tưởng giữa biết bơi và lội nước. Biết bơi tức là bơi đúng kỹ thuật, đúng kiểu (bơi sải, bơi ngửa, bơi bướm, bơi ếch…), bơi được xa.

 

Còn xuống nước quào tay quào chân (dân gian gọi là bơi chó) và khoảng cách di chuyển chỉ được vài mét thì gọi là lội nước, chưa phải gọi là biết bơi.

 

Những lời khuyên cần thiết

Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH cho biết, người biết bơi chưa chắc là người có kỹ năng cứu đuối nước. Có những trường hợp trẻ biết bơi bơi ra cứu bạn nhưng chết đuối theo bạn. Do đó, phụ huynh cần trang bị kỹ năng bơi và cả kỹ năng cứu đuối nước cho con.

Với trẻ biết bơi, phụ huynh cũng cần lưu ý những nguyên tắc sau để giám sát con:

  • Một là, khởi động kỹ trước khi xuống nước.
  • Hai là, mặc đồ bơi.
  • Ba là, không tắm quá lâu.

Trung tá Thành có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề vẫn xót xa khi thấy tin trẻ đuối nước.

 

Trung tá Thành giải thích: “Có người bơi rất giỏi nhưng mặc đồ bình thường xuống nước nhanh bị đuối sức, gặp chuột rút đột ngột sẽ không phản ứng kịp, dễ bị chìm. Khi con đi bơi ở ao, hồ, sông, suối; phụ huynh cần giám sát chứ không phải ngồi bấm điện thoại hay nói chuyện rồi mặc con bơi sao thì bơi”.

 

Anh dẫn chứng, thực tế có những trường hợp các bé đang bơi bị đuối sức, chới với, người xung quanh nghĩ rằng bé đang bơi nhưng thật ra bé đang bị ngạt. Vì vậy, quan sát con bơi kể cả khi con đã biết bơi là điều cần thiết.

 

“Tỷ lệ trẻ biết bơi chết đuối nhiều hơn trẻ không biết bơi vì trẻ không biết bơi ít dám tắm, thấy bạn chìm không dám ra cứu. Còn trẻ biết bơi có những em bơi hoài đến khi đuối sức rồi bị chìm, cũng như xung phong ra cứu bạn nhưng không có kỹ năng cứu đuối nên bị chìm theo bạn”, anh phân tích./.

 

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH

 

Tổng kết công tác PCCC&CNCH năm 2020
Bến Tre: Cháy 3 tàu cá, gần 12 tỷ đồng ra tro
Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam viết tiếp những bản anh hùng ca chiến thắng của thời kỳ mới